Lương net là gì? Những điều cần biết về lương net cập nhật 2019

Bên cạnh lương gross thì lương net là một trong những khái niệm được nhắc đến nhiều nhất khi bàn về các loại tiền lương. Vậy thực ra, lương net là gì? Hôm nay, Cet.edu.vn sẽ cùng bạn đi tìm câu trả lời nhé. Ngoài ra, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm các thông tin xung quanh lương net mà có thể bạn chưa biết nhé!


Có thể nói tiền lương là một trong những vấn đề nhạy cảm khi đàm phán với nhà tuyển dụng. Thật không dễ để đưa ra một mức lương phù hợp vừa xứng đáng cho người ứng tuyển lại không quá cao khiến nhà tuyển dụng “chùn chân”. Vì vậy hiểu rõ về các loại lương mà các công ty đang áp dụng để trả lương cho nhân viên sẽ giúp bạn thuận lợi, trôi chảy hơn trong quá trình xin việc.

Lương net là lương như thế nào?

Lương net là lương như thế nào? (Nguồn: Internet)

Lương net là gì?

Lương net là mức lương bạn sẽ nhận thực tế vào cuối tháng sau khi công ty đã trừ khi các chi phí bảo hiểm, thuế… Bạn sẽ không phải tốn bất kỳ thêm chi phí nào như khi nhận lương gross.

Ví dụ: Khi phỏng vấn xin việc công ty trả lương net cho bạn là 10 triệu thì có nghĩa bạn sẽ được nhận 10 triệu đem về nhà mỗi tháng và những khoản phí BHXH, BHYT, BHTN, thuế TNCN sẽ do công ty đóng theo quy định của nhà nước thay cho bạn.

>> Tìm hiểu chi tiết: Lương gross là gì? Cách tính khi nhận lương gross

Lợi ích và mặt hại của lương net

Mặt lợi ích mà lương net mang lại cho người lao động là họ sẽ nhận được khoảng tiền đúng với cam kết từ nhà tuyển dụng. Và mỗi tháng, họ sẽ không phải mất công tính toán cũng như đi đóng các khoản phí này. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ có lợi khi nhà tuyển dụng đóng đúng các phí với mức lương mà họ chuyển khoản cho bạn. Ví dụ như công ty chuyển cho bạn vào cuối tháng là 17,01 triệu thì lương trước net của bạn là 20 triệu và công ty đóng các khoản phí ở mức lương này thì hoàn toàn là hợp lý.

Tuy nhiên, mặt hại khi người lao động chọn lương net là “ rủi ro “ gặp phải công ty không đàng hoàng. Để tiết kiệm chi phí, họ sẽ không tính ngược lại ra lương gross cho bạn mà sẽ đóng các khoản phí dựa theo lương net đã chuyển cho bạn. Vì vậy, những chế độ mà bạn được hưởng về sau sẽ bị thấp đi.

Vì vậy, nếu khi đàm phán với công ty và được đề nghị lương net thì bạn nên hỏi rõ các khoản phí mà họ sẽ đóng thay bạn và nên yêu cầu bảng lương liệt kê vào mỗi cuối tháng. Bạn có thể tự mình tính toán kiểm tra lại để xác nhận.

Lương net có lợi ích là bạn sẽ không phải tốn công tính toán, đi đóng các khoản phí

Lương net có lợi ích là bạn sẽ không phải tốn công tính toán, đi đóng các khoản phí (Nguồn: Internet)

>> Tìm hiểu chi tiết: Lương tháng 13 là gì? Cách tính lương tháng 13

Nhân viên Nhà hàng – Khách sạn có nên đàm phán nhận lương Net?

Từ những phân tích trên, bạn có thể thấy rằng, lương Net sẽ có lợi hơn đối với nhân viên Nhà hàng – Khách sạn, vì sẽ không bị trừ các khoản phí vào lương thực tế. Tuy nhiên, sẽ có những vấn đề không hay xảy ra và ảnh hưởng đến quyền lợi các chế độ an ninh xã hội của bạn. Vì vậy, khi đàm phán và được đề nghị lương Net với công ty, bạn nên hỏi rõ các khoản phí mà họ sẽ đóng thay bạn và yêu cầu bảng lương liệt kê vào mỗi cuối tháng, để tự mình tính toán kiểm tra lại cho chính xác.

Người lao động phải đóng các khoản phí nào?

Chi phí các loại bảo hiểm

chi phí các loại bảo hiểm

Hiện nay, theo quyết định 595/QĐ-BHXH khi người lao động ký kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp, công ty thì những đơn vị này có trách nhiệm phải tham gia BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động.

Các mức phí, bảo hiểm sẽ do công ty và người lao động cùng nhau đóng. Trong đó, về phần của các doanh nghiệp sẽ được trừ vào phần chi phí. Tỉ lệ phân chia các khoản phí giữa công ty và người lao động cũng được chia rõ ràng như sau:

– Mức đóng bảo hiểm xã hội: 25,5%, trong đó người lao động đóng 8%; đơn vị đóng 17,5%.

– Mức đóng bảo hiểm y tế: 4,5%, trong đó người lao động đóng 1,5%; đơn vị đóng 3%

– Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp: 2%, trong đó người lao động đóng 1%; đơn vị đóng 1%

– Kinh phí công đoàn: 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động (theo Nghị định 191/2013/NĐ-CP). 2% kinh phí công đoàn này, doanh nghiệp phải đóng tất, người lao động không phải đóng kinh phí công đoàn này.

Thuế thu nhập cá nhân

Đối với những người kí hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên thì thực hiện đóng thuế thu nhập cá nhân theo biểu lũy tiến từng phần. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tiền lương và các khoản thu nhập của người lao động mà xem xét người đó có phải đóng thuế TNCN hay không?

Các bước tính thuế TNCN lương net

Trước tiên, để tính được thuế TNCN theo lương net, bạn phải quy đổi thu nhập không bao gồm thuế thành thu nhập tính thuế theo bảng quy đổi sau:

BẢNG QUY ĐỔI THU NHẬP KHÔNG BAO GỒM THUẾ QUA KHOẢN THU NHẬP TÍNH THUẾ

(đối với thu nhập từ lương và tiền công)

Stt Thu nhập làm căn cứ quy đổi/ tháng (viết tắt là TNQĐ) Thu nhập tính thuế
1 Đến 4,75 triệu đồng (trđ) TNQĐ/0,95
2 Nếu trên 4,75 trđ đến 9,25trđ (TNQĐ – 0, 25 trđ)/0,9
3 Nếu trên 9,25 trđ đến 16,05trđ (TNQĐ – 0,75 trđ )/0,85
4 Nếu trên 16,05 trđ đến 27,25 trđ (TNQĐ – 1,65 trđ)/0,8
5 Nếu trên 27,25 trđ đến 42,25 trđ (TNQĐ – 3,25 trđ)/0,75
6 Nếu trên 42,25 trđ đến 61,85 trđ (TNQĐ – 5,85 trđ)/0,7
7 Nếu trên 61,85 trđ (TNQĐ – 9,85 trđ)/0,65

(Trích Phụ lục 02/PL-TNCN (Ban hành kèm theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính)

Thu nhập làm căn cứ quy đổi thành thu nhập tính thuế được tính theo công thức:

Thu nhập làm căn cứ quy đổi = Thu nhập thực nhận + Các khoảng doanh nghiệp trả thay – Các khoản giảm trừ

Trong đó:

– Thu nhập thực nhận: Tiền lương, tiền công không bao gồm thuế mà người lao động nhận được hàng tháng.

–  Các khoản trả thay: Là các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền do doanh nghiệp trả cho người lao động.

Lưu ý: Trong các khoản trả thay nếu có tiền thuê nhà thì số tiền đó tính vào thu nhập làm căn cứ quy đổi bằng số thực trả không vượt quá 15% tổng TN chịu thuế tại đơn vị (chưa bao gồm tiền thuê nhà).

Các khoản giảm trừ gồm có: Giảm trừ gia cảnh, giảm trừ đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, giảm từ đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

Các ví dụ về tính thuế TNCN lương net

Để các bạn có hình dung rõ ràng hơn, chúng tôi sẽ lấy 1 ví dụ cụ thể:

Ví dụ 1:

Năm 2017, công ty ABC ký hợp đồng lao động với chị Dung với mức lương 31,5 tr / tháng. Lúc này, thuế TNCN theo lương net của chị Dung sẽ được tính như sau

– Ngoài tiền lương chị Dung được công ty trả thay phí hội viên CLB thể thao 1 tr/ tháng.

– Chị Dung phải đóng bảo hiểm bắt buộc là 1,5 tr/ tháng. Công ty chịu trách nhiệm nộp thuế TNCN cho chị Dung.

– Trong năm, chị Dung chỉ tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân, không có người phụ thuộc và phát sinh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

– Cách tính thuế TNCN theo lương net phải nộp hàng tháng cho chị như sau:

+ Thu nhập làm căn cứ quy đổi: = 31.500.000 + 1.000.000 – (9.000.000 + 1.500.000) = 22.000.000

+ Thu nhập tính thuế theo bậc 4 trên bảng quy đổi phụ lục số 02/PL-TNCN): = (22 22.000.000 – 1,65 tr)/0,8 = 25,4375 tr

+ Thuế TNCN chị Dung phải nộp, áp dụng theo cách tính thuế rút gọn theo Phụ lục số 01/PL-TNCN theo TT 111/2013/TT-BTC ): = 25,4375 tr × 20% – 1,65 tr = 3,4375 tr

Ví dụ 2: Tiếp theo, chị Dung còn được công ty trả tiền thuê nhà là 6 tr/ tháng. Thì cách tính thuế TNCN theo lương net của chị Dung sẽ được tính như sau:

B1: Xác định tiền thuê nhà trả thay được tính vào thu nhập làm căn cứ quy đổi

– Thu nhập làm căn cứ quy đổi, không bao gồm tiền thuê nhà:

31,5 tr + 1 tr – (9 tr + 1,5 tr) = 22 tr

– Thu nhập tính thuế, xác định theo Phụ lục số 02/PL-TNCN:

(22 tr – 1,65 tr)/0,8 = 25,4375 tr

– Thu nhập chịu thuế, không gồm tiền thuê nhà:

25,4375 tr + 9 tr + 1,5 tr = 35,9375 tr/tháng

– 15% Tổng thu nhập chịu thuế, không gồm tiền thuê nhà:

35,9375 tr × 15% = 5,390 tr/tháng

Như vậy, tiền thuê nhà được tính vào thu nhập làm căn cứ quy đổi sẽ là 5,390 tr/tháng.

B2: Xác định thu nhập tính thuế

– Thu nhập làm căn cứ để quy đổi thành thu nhập tính thuế:

31,5 tr + 1 tr + 5,390 tr – (9 tr + 1,5 tr) = 27,39 tr/tháng

– Thu nhập tính thuế, quy đổi theo Phụ lục số 02/PL-TNCN:

(27,39 tr – 3,25 tr)/0,75 = 32,187 tr/tháng

– Thuế TNCN phải nộp:

32,187 tr × 25% – 3,25 tr = 4,797 tr/tháng

Như vậy, thu nhập chịu thuế hàng tháng của chị Dung sẽ là:

31,5 tr + 1 tr + 5,390 tr + 4,797 tr = 42,687 tr/tháng

 

Ngoài các chi phí bảo hiểm thì người lao động còn phải đóng thuế TNCN

Ngoài các chi phí bảo hiểm thì người lao động còn phải đóng thuế TNCN (Nguồn: Internet)

Trên đây là tổng hợp các thông tin về lương net là gì? Và những điều cần biết về lương net như: cách tính thuế TNCN theo lương net. Hy vọng với các bài viết kiến thức về tiền lương, Cet.edu.vn đã giúp bạn hiểu hơn để nắm rõ cách tính lương khi đi làm. Hãy vận dụng những thông tin này, tính toán thử xem lương bạn nhận có đúng không nhé?

Điểm: 4 (2 bình chọn)

Tác giả: Anh Vũ Đình

Chuyên gia Đình Anh Vũ là một trong những tác giả có nhiều năm kinh nghiệm, công tác trong ngành Nhà hàng – Khách sạn, từng nắm giữ vị trí Quản lý Khách sạn tại nhiều Nhà hàng, Khách sạn lớn ở TP.HCM. Tác giả Đình Anh Vũ sẽ chia sẻ những bài học, kinh nghiệm làm nghề với các bạn trẻ thông qua những bài viết thú vị, bổ ích và được nhiều người đón nhận.

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn