Sinh Viên Cet Trổ Tài Làm Bánh Việt

Có khả năng thực hiện được đa dạng các món bánh từ bánh ngọt, bánh kem đến bánh Việt là mục tiêu mà các bạn sinh viên tại CET mong muốn đạt được. Chính vì thế, trong chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật làm bánh, nhà trường đã lồng ghép vào các buổi học về những loại bánh đặc trưng của Việt Nam. Hãy cùng tham gia vào buổi học “Thực hành: Bánh chuối hấp – Bánh da lợn – Bánh khoai mì nướng” để được giảng viên hướng dẫn thực hành và tiếp thu thêm nhiều kiến thức bổ ích về ba món bánh tráng miệng nổi tiếng này nhé!

Bánh chuối hấp – món bánh gắn liền tuổi thơ của nhiều người.

Trước kia, những chiếc bánh này được bày bán đơn giản trong những chiếc tủ kính ở chợ hoặc dọc các con đường nhưng hiện nay du khách quốc tế đã biết đến và yêu thích bánh Việt nhiều hơn. Chính vì thế trong menu của các nhà hàng, khách sạn đẳng cấp, thực khách đều có gọi món và thưởng thức. Đây là một điều tự hào của ngành bánh của nước ta. Thông qua buổi học này, sinh viên sẽ được cung cấp công thức và những phương pháp, kỹ thuật cần có để làm ra các món bánh trên.

Bí Quyết Làm Bánh Ngon Xuất Phát Từ Việc Chuẩn Bị Nguyên Liệu

Sự độc đáo của bánh Việt là từ nguyên liệu quen thuộc, gắn bó với mỗi người cùng sự tài hoa của người làm bánh đã có thể tạo ra những chiếc bánh thơm ngon. Ba loại bánh trong bài học đều xuất phát từ các tỉnh Nam Bộ nên có hương vị ngọt, béo chủ đạo. Chuối sứ, khoai mì, đậu xanh, dừa nạo, lá dứa,… đều có những phương pháp sơ chế riêng phù hợp. Giảng viên tận tình chia sẻ những thông tin hữu ích như cách loại bỏ độc tố trong khoai mì, mẹo ướp chuối dậy mùi thơm, phương pháp lấy màu lá dứa đúng hay cả bí quyết ngâm đậu xanh qua đêm mà không bị lên men.

sinh viên sơ chế nguyên liệu
Sinh viên tập trung sơ chế nguyên liệu đúng theo hướng dẫn của giảng viên.

Các bạn sinh viên chăm chú lắng nghe giảng viên phân tích về sự khác nhau về đặc điểm của bột bánh Việt so với bánh Âu. Với sự kết hợp giữa bột với bơ, đường, trứng, sữa nên bột bánh Âu sẽ dùng kỹ thuật khuấy bột từ trong ra ngoài; còn hỗn hợp bột bánh Việt có tính chất đặc, dẻo hơn do chỉ gồm bột và nước nên các bạn sinh viên phải khuấy theo chiều ngược lại để dễ trộn đều, đặc biệt tránh tình trạng vón cục. Để làm được những chiếc bánh thơm ngon thì người thợ phải tập trung nhiều ở khâu trộn bột. Khi các nguyên liệu được chuẩn bị tốt thì tỉ lệ thành công món bánh càng cao.

Phương Pháp Nướng Bánh Việt Khác Gì So Với Bánh Âu

Để làm ra những chiếc bánh ngọt, bạn cần nhào bột, ủ bột sau đó tạo hình và cho vào lò để nướng. Còn đối với món bánh khoai mì nướng trong bài học này thì bạn cần phải mài khoai mì đúng cách để không quá khô, không vón cục rồi trộn hỗn hợp bột sao cho đúng kỹ thuật để kết cấu bánh mịn, đẹp. Nhiệt độ và thời gian cũng được linh hoạt điều chỉnh để phù hợp với định lượng thành phẩm. Thông thường, các loại bánh Âu sẽ có kích thước lớn hơn sau khi nướng nhưng với bánh Việt thì vẫn giữ như trạng thái ban đầu, chỉ thay đổi về màu sắc của bề mặt bánh.

giảng viên hướng dẫn bánh khoai mì
Giảng viên hướng dẫn các bạn trộn bánh khoai mì nướng.

Bánh khoai mì được chính tay các bạn thực hiện sau khi hoàn thành có mùi thơm hoà quyện giữa bơ, sữa và khoai mì toả ra ngay khi lấy khỏi lò. Bên ngoài, phần rìa bánh giòn nhưng bên trong mềm xốp, không bị khô mà còn có vị ngọt ngọt, bùi bùi của đậu xanh.

Hấp Bánh Là Quá Trình Của Sự Tỉ Mỉ, Không Thể Vội Vàng

Nếu ở các bài học trước, các bạn được tiếp xúc nhiều với lò nướng thì hôm nay các bạn sẽ được trau dồi thêm kỹ năng hấp bánh. Ở món bánh chuối hấp, sinh viên sẽ được hướng dẫn chi tiết từ bước trộn bột cùng chuối cắt lát đến việc xếp vào khuôn đúng cách. Trong quá trình hấp bánh, bạn cần cân chỉnh thời gian để bánh chín vừa tới, có độ đàn hồi, bột trong, không bị nhão mà màu sắc đẹp mắt. Đây cũng là kỹ năng quan trọng mà người thợ làm bánh cần có.

sơ chế chuối
Sinh viên lĩnh hội được phương pháp sơ chế giúp chuối không bị nát khi trộn chung với bột.

Với món bánh da lợn thì đòi hỏi sự công phu và thời gian nhiều hơn do gồm nhiều lớp bánh tạo thành. Các bạn sinh viên phải chú ý đến khoảng thời gian chín giữa các lớp bánh khác nhau và mẹo nhỏ để bề mặt bánh không bị rỗ khi hấp. Thành phẩm của món bánh da lợn có độ mềm, dai; khi thưởng thức có vị ngọt, bùi từ đậu xanh và thơm mùi lá dứa; đặc biệt các lớp bánh có thể tách ra dễ dàng. Đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trên thì món bánh mới đạt yêu cầu.

cách làm bánh da lợn
Bánh da lợn của các bạn sinh viên thực hiện có màu sắc khá bắt mắt.

Vì khi ra thực tế làm việc, điều kiện môi trường làm việc khác nhau nên giảng viên chia sẻ bí quyết quan sát bề mặt bánh để nhận biết mức độ chín của bánh thay vì căn cứ theo thời gian. Những kiến thức bổ ích này sẽ là hành trang của các bạn sinh viên trên con đường làm nghề sau này.

Buổi Học Không Đơn Thuần Là Làm Ba Món Bánh Truyền Thống

Tham gia một lớp học cùng với sinh viên CET, bạn sẽ không chỉ được giảng viên hướng dẫn lý thuyết và thực hành chế biến các món ăn mà bạn còn được mở rộng các công thức sáng tạo hơn. Cụ thể, sinh viên được học thêm về bánh da lợn lá cẩm – khoai môn và bánh khoai mì lá dứa. Ngoài ra những câu chuyện, những tâm sự về nghề cũng được chia sẻ nhằm giúp các bạn có thêm kinh nghiệm để hoàn thành tốt các kì thi sắp tới lẫn khi làm việc thực tế sau này.

Là thế hệ đi trước nên quý thầy cô không ngần ngại truyền đạt những bí quyết, những mẹo nhỏ để giúp món bánh thêm ngon hơn, đẹp hơn hay những cách “chữa cháy” nhằm giúp thế hệ sau chinh phục đam mê với nghề bánh. Không khí buổi học diễn ra trong sự tập trung, hào hứng và xen kẽ với những tiếng cười. Buổi học thực hành đã mang lại cho sinh viên nhiều trải nghiệm thú vị và những kiến thức quý báu.

trang trí món bánh
Trang trí món ăn cũng là một kỹ năng cần có của một người thợ làm bánh.

Nếu bạn có định hướng theo đuổi nghề bánh, bạn hãy điền thông tin vào form dưới đây hoặc liên hệ đến tổng đài miễn phí 1800 6552 để được nhân viên hỗ trợ tư vấn và giải đáp các thắc mắc về ngành Kỹ thuật làm bánh nhé! Hi vọng sẽ được chào đón bạn tham gia những buổi học chất lượng tiếp theo tại CET.

Điểm: 4.1 (11 bình chọn)

Tác giả: Diệu Xuân Hoàng Thị

Cô từng giữ vị trí quan trọng như: Giám sát, Quản lý, Bếp trưởng Bếp Bánh tại các Nhà hàng - Khách sạn 4 – 5 sao trên cả nước. Hiện tại, cô là Giảng viên các khóa học bếp Bánh tại Trường trung cấp Kinh tế Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh (College of Economics & Tourism – CET). Với tinh thần không ngừng học hỏi, liên tục tìm tòi, nghiên cứu, cô Hoàng Thị Diệu Xuân mong muốn chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm trong suốt quá trình làm nghề tới những người đam mê và theo đuổi nghề bánh

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn