Khám Phá Lộ Trình Thăng Tiến Ngành Nhà Hàng – Khách Sạn

Nhà hàng – Khách sạn là một trong những ngành học luôn được nhiều bạn trẻ chọn lựa đăng ký trong mỗi mùa tuyển sinh. Bên cạnh nguồn thu nhập hấp dẫn với nhiều cơ hội trải nghiệm thú vị trong ngành dịch vụ, đây còn là lĩnh vực có cơ hội phát triển tốt dành cho những ai thực sự đam mê. Ngay bây giờ, hãy cùng CET khám phá lộ trình thăng tiến ngành Nhà hàng – Khách sạn bạn nhé!

Lĩnh vực Nhà hàng

Nhân viên phục vụ

Phục vụ bàn là vị trí khởi điểm quen thuộc của bạn trẻ khi bắt đầu lộ trình nghề F&B. Phục vụ bàn phụ trách bưng bê và phục vụ món ăn, thức uống cho thực khách tại nhà hàng, trung tâm tiệc cưới… Công việc này đòi hỏi nghiệp vụ phục vụ bàn chuyên nghiệp và khả năng giao tiếp ngoại ngữ. Mức thu nhập cho vị trí phục vụ bàn trong khách sạn 5 sao là 5 – 7 triệu/tháng. Trong đó, lương cứng dao động từ 3,5 – 5 triệu đồng, còn lại là các khoản phụ cấp, service charge và tip.

lộ trình thăng tiến nghề nhà hàng khách sạn

Phục vụ bàn là vị trí khởi điểm quen thuộc của bạn trẻ khi bắt đầu lộ trình nghề F&B.

Giám sát

Nếu có năng lực và kinh nghiệm, bạn sẽ được chọn làm trưởng ca, sau đó phát triển lên thành giám sát nhà hàng. Công việc của giám sát nhà hàng xoay quanh giám sát chuỗi dịch vụ cung ứng cho khách, phân chia công việc cho nhân viên, xử lý yêu cầu từ khách, giải quyết vấn đề phát sinh… Muốn làm giám sát nhà hàng, bạn phải có kinh nghiệm từ 1 – 3 năm, có khả năng ngoại ngữ tốt. Mức lương cho giám sát nhà hàng dao động từ 7 – 12 triệu đồng/tháng.

Quản lý Nhà hàng

Quản lý nhà hàng là nấc thang cao hơn trong lộ trình thăng tiến nghề phục vụ bàn. Công việc quản lý nhà hàng xoay quanh xây dựng hệ thống quản lý nhà hàng, điều phối hoạt động kinh doanh, quản lý tài chính, quản lý nhân sự…

Với nhà hàng độc lập, quản lý nhà hàng được xem như giám đốc nhà hàng, quản lý luôn khu vực bếp. Tùy thuộc vào quy mô nhà hàng mà mức lương dao động từ 15 – 45 triệu đồng/tháng. Nếu nhà hàng nằm trong khách sạn, quản lý nhà hàng sẽ không chịu trách nhiệm quản lý khu vực bếp. Mức lương hàng tháng sẽ là 15 – 20 triệu đồng/tháng.

quản lý nhà hàng khách sạn

Quản lý Bộ phận ẩm thực

Quản lý Bộ phận Ẩm thực là vị trí cao, chỉ đứng sau Giám đốc khối Dịch vụ Ẩm thực trong tháp lộ trình nghề nghiệp. Họ là người chịu trách nhiệm thực hiện các công việc theo chỉ đạo của Giám đốc khối Dịch vụ Ẩm thực để đảm bảo mục đích tài chính của Bộ phận Ẩm thực. Vị trí này còn kết hợp với Bếp trưởng Điều hành trong việc thiết kế và xây dựng các thực đơn khác nhau trong những dịp lễ đặc biệt, điều phối hoạt động của toàn bộ Bộ phận Ẩm thực và tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện nhân viên trong bộ phận. Trên lộ trình nghề nghiệp, Quản lý Bộ phận Ẩm thực là vị trí hấp dẫn mà mọi nhân viên luôn phấn đấu đạt được.

Giám đốc Khối Dịch vụ ẩm thực

Đây là vị trí cao nhất trong tháp lộ trình ngành Nhà hàng, đòi hỏi nhân sự phải có kiến thức và nghiệp vụ nghề vững chắc, kinh nghiệm quản lý, điều hành tốt. Nhiệm vụ của Giám đốc Khối Dịch vụ Ẩm thực là quản lý về việc thực hiện chính sách, quy định và đáp ứng mục tiêu khách hàng để đảm bảo số dư lợi nhuận đối với mỗi khu vực nhà hàng trong phạm vi quản lý. Theo đó, họ sẽ phải đảm bảo mục đích tài chính, điều phối hoạt động và vận hành của toàn bộ khối Dịch vụ Ẩm thực, điều hành Khối Dịch vụ Ẩm thực phối hợp với các Khối/ Bộ phận/ Phòng ban khác.

Nghề Buồng phòng khách sạn

Nhân viên Dọn phòng

Nhân viên dọn phòng là vị trí cơ bản thuộc bộ phận Buồng phòng (Housekeeping), chịu trách nhiệm làm vệ sinh phòng ngủ cho khách, kiểm tra phòng khách check out, xử lý đồ thất lạc, nhận – trả đồ giặt là của khách hay giải quyết vấn đề phát sinh. Thu nhập nhân viên buồng phòng dao động tùy theo quy mô khách sạn, kinh nghiệm, kỹ năng và thường từ 4 – 7 triệu đồng/tháng. Ngoài nhân viên dọn phòng, bạn trẻ có thể bắt đầu sự nghiệp ở bộ phận này bằng vị trí nhân viên giặt là, nhân viên vệ sinh công cộng, …

nhân viên dọn phòng

Nhân viên dọn phòng là vị trí cơ bản thuộc bộ phận Buồng phòng

Giám sát tầng, Giám sát buồng phòng

Giám sát tầng thường chỉ phổ biến ở khách sạn 4 – 5 sao, còn ở khách sạn quy mô nhỏ thì có giám sát buồng phòng. Đây là vị trí quản lý cấp trung, chịu sự quản lý của trưởng bộ phận buồng phòng. Giám sát tầng sẽ thực hiện các nhiệm vụ có thể bằng hoặc ít hơn một giám sát buồng phòng, bao gồm giám sát các tầng (phòng) được giao, phân chia công việc cho nhân viên hoặc kiểm soát chất lượng các phòng. Mức lương giám sát tầng là 5 – 10 triệu/tháng, mức lương giám sát buồng phòng là 7 – 12 triệu/tháng.

Trưởng Bộ phận Buồng phòng

Đây là vị trí cao nhất của bộ phận Buồng phòng khách sạn. Mức lương cho vị trí này dao động từ 10 – 15 triệu/tháng và có thể tiếp tục phát triển cao hơn thành tổng giám đốc khách sạn.

Nghề Lễ tân khách sạn

Lễ tân

Lễ tân là bước khởi đầu cho bạn trẻ mới bắt đầu bước vào nghề khách sạn, bởi đây là vị trí mà bạn sẽ học hỏi rất nhiều thông qua việc tiếp xúc hàng ngày với khách hàng, đồng nghiệp từ các bộ phận khác và xử lý hàng loạt tình huống phát sinh mỗi ngày. Công việc hằng ngày của lễ tân xoay quanh check in, check out cho khách, tư vấn về dịch vụ khách sạn cho khách, tiếp nhận cuộc gọi, tin nhắn, dẫn khách tham quan phòng và thanh toán hóa đơn. Mức thu nhập lễ tân thường dao động từ 5 – 8 triệu/tháng và tùy vào quy mô của từng khách sạn. Nếu bạn muốn phát triển sự nghiệp ở bộ phận Tiền sảnh, không nhất thiết bạn phải bắt đầu ngay ở vị trí lễ tân. Bạn có thể khởi đầu bằng vị trí nhân viên hành lý, tổng đài hay hỗ trợ khách hàng, sau đó “lấn sân” sang lễ tân rồi từ từ thăng tiến lên vị trí cao hơn vẫn được.

lễ tân khởi đầu khi bước vào nghề khách sạn

Lễ tân là khởi đầu tuyệt vời cho bạn trẻ mới bắt đầu bước vào nghề khách sạn.

Giám sát Lễ tân

Khi đã thành thạo nghiệp vụ và có kinh nghiệm làm việc nhất định, bạn sẽ thăng tiến lên vị trí cao hơn, điển hình là giám sát. Giám sát lễ tân chịu trách nhiệm giám sát công việc của các thành viên trong bộ phận, tổ chức và vận hành hoạt động bộ phận lễ tân, đón tiếp khách đoàn, khách VIP, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên mới và giải quyết các sự cố, yêu cầu, phàn nàn của khách hàng. Mức thu nhập của giám sát lễ tân sẽ từ 8 – 12 triệu/tháng, tùy theo mô tả công việc cụ thể.

Trưởng Bộ phận Lễ tân

Trưởng bộ phận lễ tân còn gọi là Front Office Manager (FOM). Đây là vị trí điều hành tất cả công việc thuộc bộ phận lễ tân khách sạn, bao gồm điều phối công việc bộ phận lễ tân, đón tiếp khách VIP, khách đoàn, khách trung thành, khách dài hạn, đào tạo, bồi dưỡng nhân sự hay đưa ra định hướng phát triển cho bộ phận. Từ trưởng bộ phận lễ tân, bạn sẽ thăng tiến lên vị trí cao hơn là tổng giám đốc khách sạn.

CET mong rằng với sự hiểu biết rõ ràng về lộ trình phát triển trong ngành Nhà hàng – Khách sạn, bạn sẽ có thể đặt ra cho mình những mục tiêu phù hợp và nỗ lực phấn đấu để thăng tiến trong nghề. Nếu yêu thích và mong muốn được đào tạo học Quản trị nhà hàng khách sạn bài bản về lĩnh vực này, bạn hãy để lại liên hệ theo form bên dưới hoặc gọi đến tổng đài 1800 6552 để được hỗ trợ miễn phí về khóa học Quản trị Nhà hàng – Khách sạn nhé!

Điểm: 4.76 (17 bình chọn)

Tác giả: Anh Vũ Đình

Chuyên gia Đình Anh Vũ là một trong những tác giả có nhiều năm kinh nghiệm, công tác trong ngành Nhà hàng – Khách sạn, từng nắm giữ vị trí Quản lý Khách sạn tại nhiều Nhà hàng, Khách sạn lớn ở TP.HCM. Tác giả Đình Anh Vũ sẽ chia sẻ những bài học, kinh nghiệm làm nghề với các bạn trẻ thông qua những bài viết thú vị, bổ ích và được nhiều người đón nhận.

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn