Mách Bạn Cách Làm Củ Kiệu Ngon “Số Dzách” Ngày Tết

Mỗi khi Tết đến, các gia đình nào cũng chuẩn bị một hủ củ kiệu cùng các món ăn truyền thống như bánh tét, bánh chưng,… Nhiều bạn sẽ tự tay làm để đảm bảo vệ sinh và vừa khẩu vị nhưng kiệu lại không giòn, bị hăng. Hôm nay, CET sẽ hướng dẫn cách làm củ kiệu thơm ngon, hấp dẫn tại nhà. Cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé!

củ kiệu ngâm

Củ kiệu ngâm là một món ăn không thể thiếu trong các bữa ăn họp mặt vào ngày Tết. Nguồn: Internet

Dưa củ kiệu là một món ăn dân giã, thường được ăn kèm cùng bánh chưng, bánh tét để chống ngán cũng như xuất hiện trong các mâm cơm vào dịp Tết sum vầy. Củ kiệu sẽ có hương vị chua ngọt đặc trưng. Ẩm thực ngày Tết mà thiếu củ kiệu sẽ làm mất đi hương vị ngày Tết của nhiều gia đình, đặc biệt là gia đình khu vực Nam Bộ. Món ăn này tượng trưng cho tiền bạc, mang ý nghĩa cầu mong sự phú quý, ấm no cho năm tới. Vì vậy, dù bận rộn nhưng nhiều người vẫn dành thời gian tìm hiểu và tự ngâm củ kiệu cho ngày Tết.

Cách Làm Củ Kiệu Chua Ngọt

Nguyên liệu

  • Củ kiệu: 1kg
  • Đường: 400g
  • Giấm: 500ml
  • Muối: 100g
  • Quy trình thực hiện

Bước 1: Sơ chế củ kiệu

Đầu tiên, củ kiệu sau khi mua về bạn cho vào ngâm với nước muối pha loãng qua đêm (khoảng 12 tiếng). Sau đó, bạn sẽ rửa sạch qua nhiều lần nước và tiến hành cắt gốc, bỏ. Bạn nhớ chú ý chỉ cắt phần rễ, đừng cắt phạm vào phần củ vì sẽ khiến kiệu bị ngấm nước, mất độ giòn sau khi hoàn thành.

sơ chế củ kiệu

Ngâm củ kiệu qua đêm với nước muối loãng để giảm độ hăng. Nguồn: Internet

Củ kiệu được sơ chế sạch sẽ thì bạn tiếp tục ướp với 200g đường trong 5 phút rồi trải đều kiệu ra mâm đem đi phơi ở nơi có nắng nhẹ khoảng 4 tiếng để kiệu hơi héo. Khi phơi, bạn nên đảo đều để kiệu thấm đường và dùng vải mùng che để hạn chế bụi bẩn. Sau khi phơi, bạn bóc vỏ lớp màng bên ngoài, cắt bỏ phần rễ còn sót lại.

Bước 2: Pha nước ngâm kiệu

Bạn đun sôi 500ml giấm cùng 200g đường và 1 muỗng cafe muối. Khi hỗn hợp sôi thì bạn tắt bếp và để nguội.

Bước 3: Ngâm củ kiệu

Hũ thủy tinh bạn sẽ tráng qua nước sôi rồi để ráo, sau đó xếp củ kiệu và đổ phần nước ngâm đã nguội vào. Để củ kiệu được ngập trong nước ngâm thì bạn dùng 1 vật nặng như dĩa nhỏ, túi nước để đè lên. Bạn để hũ củ kiệu ngâm bên ngoài khoảng 3 ngày rồi cho vào tủ lạnh để thưởng thức dần

Thành phẩm

Củ kiệu sau khi hoàn thành vẫn giữ được màu trắng đẹp, độ giòn kết hợp với hương thơm hấp dẫn và vị chua chua ngọt ngọt hài hòa. Nếu bạn thích vị chua nhiều thì ngâm trong thời gian lâu hơn.

cách làm củ kiệu

Sử dụng hũ thủy tinh để ngâm củ kiệu để đảm bảo vệ sinh, tốt cho sức khỏe. Nguồn: Internet

Cách Làm Củ Kiệu Ngâm Mắm

Nguyên liệu

  • Củ kiệu: 500g
  • Nước mắm: 250ml
  • Đường cát: 50g
  • Ớt: 10 trái

Quy trình thực hiện

Bước 1: Sơ chế củ kiệu

Củ kiệu sau khi mua về, bạn sẽ ngâm qua đêm với nước muối pha loãng hoặc nước vo gạo. Sau đó, bạn cắt bỏ phần rễ và lớp vỏ lụa bên ngoài rồi đem phơi kiệu qua 2 ngày nắng.

Bước 2: Nấu nước ngâm

Bạn hòa tan nước mắm với đường rồi đun sôi hỗn hợp  với lửa vừa khoảng 20 phút cho keo lại. Tắt bếp và đợi hỗn hợp nguội hoàn toàn.

Bước 3: Ngâm củ kiệu

Bạn rửa sạch hũ thủy tinh và tráng sơ với nước sôi, sau đó bạn xếp củ kiệu và ớt trái vào hũ, cho hỗn hợp nước ngâm vào. Để hũ củ kiệu ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp. Sau 3 ngày, bạn chắt bỏ phần nước ngâm cũ và tiến hành nấu nước ngâm mới theo định lượng như cũ và đổ lại hũ thủy tinh. Với cách này, củ kiệu ngâm của bạn có thể bảo quản trong tủ lạnh trong khoảng 6 tháng.

củ kiệu ngâm mắm

Đổ hỗn hợp nước mắm đường vào ngập củ kiệu. Nguồn: Internet

Thành phẩm

Với cách ngâm mắm, củ kiệu sau khi hoàn thành ngoài vị chua ngọt truyền thống sẽ có thêm vị mặn lạ miệng, kết hợp cùng bánh chưng, bánh tét hay tôm khô rất hợp. Thời gian bảo quản củ kiệu ngâm mắm lâu hơn so với ngâm chua ngọt và phù hợp với khẩu vị của người miền Bắc và miền Trung hơn.

Một Số Lưu Ý Khi Làm Củ Kiệu Ngày Tết

  • Bạn nên lựa củ kiệu có cùng kích cỡ để khi trình bày sẽ đẹp mắt hơn và củ kiệu thấm gia vị đều nhau.
  • Ngoài việc ngâm củ kiệu với nước muối pha loãng, nước vo gạo để giảm độ hăng thì bạn có thể ngâm với nước tro bếp.
  • Bạn có thể biến tấu ngâm củ kiệu cùng với cà rốt, đu đủ xanh để món ăn thêm màu sắc và hương vị.
  • Củ kiệu đã được gắp ra nhưng không dùng hết, bạn sẽ dùng màng bọc thực phẩm bọc lại và để vào ngăn mát, tránh bỏ lại vào trong hũ. Làm như thế có thể sẽ làm hỏng phần củ kiệu trong hũ.

ăn củ kiệu ngày tết

Bạn có thể ngâm kết hợp củ kiệu với các nguyên liệu khác để món ăn đẹp mắt hơn. Nguồn: Internet

Với những chia sẻ chi tiết trên, CET tin bạn đã có thể tự tin vào bếp chuẩn bị nguyên liệu và thực hiện ngay món ăn ngon này để cả gia đình thưởng thức. Hãy tiếp tục theo dõi chuyên mục để bỏ túi thêm nhiều công thức nấu ăn ngày Tết bổ ích nhé!

Điểm: 4.2 (10 bình chọn)

Tác giả: Chef Lập

Lập Chef là một trong những Đầu bếp nổi tiếng tại Việt Nam. Hiện tại, ông đang đảm nhận chức vụ Bếp trưởng Điều hành tại một Khách sạn cao cấp và đã đào tạo nên nhiều thế hệ Đầu bếp trẻ. Với nhiều đóng góp trong việc phát triển ẩm thực Việt Nam, những kiến thức ẩm thực mà ông cung cấp luôn hấp dẫn và hữu ích với độc giả.

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn