Cách Làm Bánh Rán Mặn Hà Nội Ngon Chuẩn Vị

Bánh rán mặn là món ăn chơi quen thuộc, được ví như thức quà chiều đậm nét văn hóa của ẩm thực đất kinh kỳ. Cách làm bánh rán mặn không quá khó, tuy nhiên bạn cần sự tỉ mỉ trong tạo hình để khi chiên để bánh tròn đẹp, không bị bắn dầu tung tóe hoặc làm nứt vỏ bánh và rơi nhân ra ngoài. Nếu bạn cũng yêu thích món bánh này, hãy cùng khám phá công thức làm bánh rán mặn Hà Nội siêu hấp dẫn của CET nhé!

cách làm bánh rán mặn

Bánh rán mặn vỏ mỏng giòn xốp, nhân bên trong đậm đà thấm vị. Ảnh: Internet

Chiếc bánh rán sẽ làm ấm bụng nhưng lại không quá no để bạn vẫn có thể dùng cơm tối, đó là cách ăn quà chiều của người Hà Nội: ăn vừa phải để giữ sức cho các công việc còn lại trong ngày.

Cách làm bánh rán mặn Hà Nội ngon chuẩn vị

Chỉ với những nguyên liệu gần gũi, mộc mạc bạn đã có thể tự tay làm nên những chiếc bánh rán mặn vàng ươm, phần nhân bên trong đậm đà nóng hổi để thưởng thức trong những ngày mát trời hoặc mưa lạnh, thơm ngon không kém ngoài hàng.

Nguyên liệu

Phần vỏ bánh

  • Bột nếp: 250 gram
  • Bột gạo tẻ: 50 gram
  • Tinh bột khoai tây: 50 gram
  • Đường: 30 gram
  • Muối: 1/4 muỗng cà phê
  • Dầu ăn: 1 muỗng cà phê

Phần nhân bánh

  • Thịt lợn xay: 200 gram
  • Miến: 30 gram
  • Hành tím khô: 10 gram
  • Mộc nhĩ: 20 gram
  • Cà rốt: 30 gram (tuỳ thích)
  • Gia vị: hạt nêm, muối, tiêu xay
  • Dầu ăn: 1 muỗng

Nguyên liệu làm dưa góp, nước chấm

  • Cà rốt: 1 củ nhỏ
  • Su hào: 1 củ nhỏ
  • Dấm ăn
  • Nước mắm
  • Đường
  • Tương ớt
  • Tỏi băm
  • Ớt tươi băm (trọng lượng tùy thích)

Cách làm bánh rán nhân mặn

Sơ chế nguyên liệu

Đầu tiên, bạn ướp phần thịt xay với một ít muối, hạt nêm và tiêu, trộn đều rồi để thấm gia vị.

Bạn cho mộc nhĩ, miến vào hai tô riêng rồi ngâm với một lượng nước vừa đủ cho nở ra.

Sau đó, rửa qua miến với nước rồi cắt nhỏ khoảng 3 cm. Bạn cắt bỏ phần chân của mộc nhĩ, rửa lại với nước rồi để ráo, thái nhuyễn.

cach lam banh ran man ha noi

Sơ chế nguyên liệu làm nhân bánh. Ảnh: Internet

Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, cắt thành hạt lựu hoặc từng sợi nhỏ, dài khoảng 2cm.

Hành tím bóc vỏ, cắt bỏ phần rễ, rửa sạch rồi thái nhuyễn.

Trộn bột

Bạn chuẩn bị một cái thau lớn, cho tất cả các nguyên liệu làm vỏ bánh vào cùng nhau. Tiếp đến, bạn trộn đều rồi từ từ đổ nước vào nhào cho đến khi bột dẻo, không dính tay.

Chuẩn bị màng thực phẩm, bọc kín rồi để bột nghỉ ngơi khoảng 60 – 90 phút, trong thời gian đó bạn chuyển qua làm nhân bánh.

lam banh ran man

Bột làm vỏ bánh có độ kết dính vừa đủ. Ảnh: Internet

Làm nhân

Sau cùng, bạn cho tất cả nguyên liệu làm nhân bánh vào tô lớn, trộn đều và nêm thêm gia vị để nhân bánh đậm đà hơn.

Bạn chia nhân rồi nặn thành các viên tròn bằng nhau để tạo hình bánh được đẹp mắt.

cach lam banh ran man ngon

Chia nhân bánh thành từng viên. Ảnh: Internet

Tạo hình bánh

Sau khi đã ủ đủ thời gian, bạn lấy bột ra nhào sơ lại trước khi chia bột để phần vỏ bánh không quá khô.

Bạn chia bột thành từng phần viên đều nhau, vê tròn, ấn dẹt, ở giữa vỏ bánh sẽ dày hơn và càng mỏng dần về phía mép bột, cho viên nhân vào giữa, khéo léo gói để phần vỏ ôm sát vào nhân bánh và phải đẩy hết phần bọt khí ra ngoài.

cach lam banh ran man don gian

Tạo hình bánh thành những viên tròn hoặc hình bầu dục đều nhau. Ảnh: Internet

Chiên bánh

Bạn nên dùng chảo sâu lòng hoặc một chiếc nồi nhỏ để tiết kiệm dầu ăn vì món bánh rán mặn cần được chiên ngập trong dầu.

Bắc chảo lên bếp, ban đầu bạn hãy vặn lửa lớn vừa để nóng già, sau đó mới hạ lửa nhỏ lại và cho bánh vào chiên.

Bạn chiên bánh với lửa nhỏ, để bánh nở từ từ. Nếu lửa quá lớn sẽ làm phần vỏ chín nhưng nhân bên trong vẫn còn sống.

Trong lúc chiên, bạn đảo đều tay để bánh chín và vàng đều thì bạn vớt ra, để lên đĩa có giấy thấm dầu để ăn không bị ngán.

banh ran man ha noi

Chiên bánh rán mặn trong ngập dầu đến khi vỏ bánh vàng đều. Ảnh: Internet

Với các nguyên liệu được chia sẻ, bạn có thể làm từ 20 – 22 chiếc bánh rán mặn. Nếu không chiên hết một lượt, bạn có thể bảo quản trong ngăn đông, đến khi cần dùng thì rã đông ở ngăn mát rồi mang đi chiên là dùng được mà vẫn không ảnh hưởng đến chất lượng bánh.

Làm nước chấm

Cà rốt, su hào gọt bỏ vỏ, rửa sạch, để ráo nước rồi cắt thành từng miếng nhỏ.

Bạn có thể tỉa hoa cho cà rốt hoặc bào sợi, su hào cắt miếng vuông, tùy vào sở thích của mỗi người.

Tiếp theo, cho hai nguyên liệu này vào tô, thêm đường, dấm vào theo tỉ lệ 1:1 cùng một ít muối, như vậy đã hoàn thành phần dưa góp ăn kèm đặc trưng không thể thiếu  khi dùng bánh rán mặn.

lam nuoc cham banh ran man

Dưa góp là món ăn kèm không thể thiếu khi dùng bánh rán mặn. Ảnh: Internet

Nước chấm bao gồm: 1 muỗng nước mắm, 1 muỗng đường, 1 muỗng dấm, 3 muỗng nước ấm, 1 muỗng cà phê tỏi băm, 2 muỗng cà phê tương ớt, trộn đều là đã hoàn thành chén nước chấm chuẩn bị, nếu thích ăn cay bạn có thể cho thêm ớt tươi băm nhuyễn vào cùng.

Yêu cầu thành phẩm

Bánh rán mặn Hà Nội chín đều cả trong lẫn ngoài, vỏ vàng đều, đẹp mắt, không cháy xém, bánh không bị nổ phần vỏ.

Cắn vào thấy vỏ giòn xốp, không đọng nhiều dầu.

Nhân bánh đậm đà, đủ ẩm không quá khô, nhân cũng không bị lòi ra ngoài.

bánh rán mặn

Bánh rán mặn – ngon ấm lòng ngày lạnh. Ảnh: Internet

Bạn thưởng thức bánh khi còn nóng ấm, ăn cùng các loại rau như xà lách, rau mùi… để thưởng thức trọn vẹn hương vị của món ăn đúng chuẩn nhất.

Lưu ý khi làm bánh rán nhân mặn

  • Cần ủ bột đủ thời gian để bột nở thì vỏ bánh sau khi chiên mới giòn xốp được.
  • Không nên xào chín phần nhân bánh, nhân còn sống sẽ dễ tạo hình, sau khi chiên cũng sẽ mềm và ẩm ngon hơn.
  • Lúc gói bánh, bạn hãy từ từ túm các mép bột lại, đẩy hết bọt khí ra ngoài để khi chiên bánh không bị nổ.
  • Lượng nước cho vào bột làm vỏ bánh còn tùy thuộc vào độ hút nước của từng loại bột nên bạn hãy tự điều chỉnh sao cho bột không quá ướt cũng không quá khô.
  • Không thả nhiều bánh vào chiên cùng một lúc, bánh sẽ dính vào nhau và không nở được.
  • Nếu bạn có thời gian, hãy chiên bánh hai lần để bánh giòn hơn. Lần một, bạn chiên đến khi mặt bánh có màu vàng nhẹ, bánh nồi lên trên mặt dầu thì vớt ra. Lần hai, vặn lửa lớn rồi thả bánh vào chiên, đến khi bánh có độ vàng giòn như ý thì vớt ra, với cách làm này bánh sẽ giòn lâu hơn.

Vào những ngày thời tiết se lạnh, ngồi quây quần bên gia đình thưởng thức món bánh rán mặn Hà Nội nóng ấm, chấm cùng nước mắm đậm đà, dưa góp chua chua, ăn kèm các loại rau sống nữa thì ngon còn gì bằng. Hy vọng với cách làm bánh rán mặn này sẽ giúp bạn có thêm động lực vào bếp trổ tài để mời mọi người thưởng thức. Chúc bạn thành công ngay từ lần thực hiện đầu tiên!

Điểm: 4.5 (19 bình chọn)

Tác giả: Diệu Xuân Hoàng Thị

Cô từng giữ vị trí quan trọng như: Giám sát, Quản lý, Bếp trưởng Bếp Bánh tại các Nhà hàng - Khách sạn 4 – 5 sao trên cả nước. Hiện tại, cô là Giảng viên các khóa học bếp Bánh tại Trường trung cấp Kinh tế Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh (College of Economics & Tourism – CET). Với tinh thần không ngừng học hỏi, liên tục tìm tòi, nghiên cứu, cô Hoàng Thị Diệu Xuân mong muốn chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm trong suốt quá trình làm nghề tới những người đam mê và theo đuổi nghề bánh

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn