Cách Làm Bánh Cam Mặn Miền Tây Nhân Thịt Đơn Giản

Ngoài bánh cam ngọt nhân đậu xanh, người dân miền Tây còn sáng tạo thêm món bánh cam mặn nhân thịt. Đây là món bánh có lớp vỏ vàng giòn cùng phần nhân đậm đà, thơm ngọt từ thịt và các loại củ. Các bạn hãy cùng trường Trung cấp Kinh tế – Du lịch TP. HCM (CET) tìm hiểu về cách làm bánh cam mặn miền Tây thông qua bài viết dưới đây nhé.

cách làm bánh cam mặn miền tây

Bánh cam mặn được rất nhiều người yêu thích vì lớp vỏ giòn cùng phần nhân thơm ngon (Ảnh: Internet)

Cách làm bánh cam mặn miền Tây nhân thịt đơn giản

Nguyên liệu

  • 150g củ sắn (củ đậu)
  • 150g thịt heo
  • 50g cà rốt
  • 30g hành lá
  • 30g hành tây
  • 20g hành tím
  • 2g nấm mèo khô
  • 5 cái nấm hương
  • Các gia vị cơ bản: muối, tiêu, đường, hạt nêm…
  • 375g bột nếp
  • 150g bột gạo
  • 15g bột năng
  • 15g bột mì
  • Nước

Các bước thực hiện

Làm phần nhân bánh

làm bánh cam mặn miền tây

Củ sắn là một trong những nguyên liệu làm nhân bánh (Ảnh: Internet)

Bạn cắt nhỏ củ sắn, nấm mèo đã ngâm nở, nấm hương, cà rốt, hành tây, hành lá, hành tím cho vào một tô lớn. Cho thêm 1 thìa café muối, 1 thìa café tiêu vào tô, trộn đều và để hỗn hợp nghỉ 10 phút.

Sau thời gian này, bạn lấy một túi vải lưới, cho hỗn hợp trên vào rồi vắt bớt nước. Lưu ý chỉ vắt với lực vừa đủ để hỗn hợp ra nước và rau củ thấm vị hành, không nên vắt quá kỹ.

Thịt heo bằm sơ, cho thêm hành lá vào băm cùng để thịt thơm hơn.

Bạn bắc chảo lên bếp, cho 30g dầu ăn vào chảo, khi dầu sôi cho hành tím vào phi thơm. Tiếp đó, bạn cho thịt heo vào xào trên lửa lớn để thịt không bị dai, khi thịt se mặt cho rau củ vào đảo đều khoảng 2 phút thì tắt bếp.

Bạn nêm nửa muỗng café muối, nửa muỗng café bột ngọt, nửa muỗng café tiêu, nửa muỗng café đường và 1 muỗng café hạt nêm vào chảo, trộn đều hỗn hợp ngấm gia vị.

Làm vỏ bánh

Bạn chuẩn bị một tô lớn, cho bột gạo, bột nếp, 2 muỗng café đường vào trộn đều, cho tiếp 435g nước vào tô rồi dùng tay nhồi. Khi bột đã tạo thành khối dẻo, bạn chia thành 3 phần bằng nhau rồi đem 1 phần đi luộc trong nước sôi khoảng 2 – 3 phút.

Bạn vớt phần bột đã luộc ra để nguội, cho vào nhồi cùng phần bột ban đầu thêm khoảng 5 phút. Cho tiếp 15g bột năng, 15g bột mì vào tô, nhồi tiếp thêm 5 phút nữa sao cho bột dẻo, mịn và không dính tay thì dừng.

Nhồi và nắn bánh

làm bánh cam mặn miền tây nhân thịt

Tạo hình bánh thuôn dài để dễ chiên (Ảnh: Internet)

Để tạo hình bánh, bạn lấy một ít bột đã nhồi lên tay, vo tròn rồi dùng lực ấn để tạo thành một hình tròn dẹp. Dùng thìa xúc một muỗng nhân cho vào giữa và gói kín lại sao cho bột ôm trọn nhân. Khi đã đóng kín bánh, bạn nặn thành hình thuôn dài, phần giữa to còn hai đầu hơi nhỏ để dễ chiên.

Chiên bánh

Bạn bắc chảo lên bếp, làm nóng dầu với lửa nhỏ rồi cho bánh vào. Lúc mới chiên, bạn hãy để lửa nhỏ cho bánh không bị nứt mặt và vặn lửa lớn để chiên giòn khi thấy vỏ bánh bắt đầu vàng. Bạn lưu ý chỉ trở mặt sau khi chiên được khoảng 2 phút.

Hoàn thành

Bánh để ráo dầu và còn hơi ấm là có thể ăn được. Bánh cam mặn khi ăn hoàn toàn không cần phải sử dụng nước chấm vì phần nhân bánh đã đậm vị vừa ăn.

Yêu cầu thành phẩm

bánh cam mặn miền tây

Bánh cam mặn miền Tây (Ảnh: Internet)

Bánh sau khi chiên xong có màu vàng đẹp mắt và lớp vỏ không bị nứt. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được độ giòn của vỏ cùng phần nhân mặn từ thịt, dai từ rau củ.

Một số lưu ý khi làm bánh cam mặn miền Tây

  • Để phần vỏ bánh giòn vàng thì ngay từ khâu chiên, bạn hãy cho dầu ngập mặt bánh.
  • Khi nặn bánh, nếu phần bột nhiều hơn nhân, bạn dùng tay ngắt bột dư và cho lại vào tô bột để bánh không bị dư vỏ.

Phần nhân thịt rau củ mặn mà cùng lớp vỏ giòn vàng là điều đã làm nên thương hiệu của món bánh cam mặn này. Hy vọng với bài viết hướng dẫn cách làm bánh cam mặn miền Tây trên đây của CET, các bạn sẽ dễ dàng làm được những chiếc bánh thơm ngon.

Nếu muốn học cách làm nhiều món bánh khác hoặc trở thành một thợ làm bánh chuyên nghiệp, các bạn hãy liên hệ ngay tới số tổng đài 1800 6552 (miễn phí cước gọi) để được tư vấn nhanh chóng và chính xác nhất nhé!

Điểm: 5 (14 bình chọn)

Tác giả: Diệu Xuân Hoàng Thị

Cô từng giữ vị trí quan trọng như: Giám sát, Quản lý, Bếp trưởng Bếp Bánh tại các Nhà hàng - Khách sạn 4 – 5 sao trên cả nước. Hiện tại, cô là Giảng viên các khóa học bếp Bánh tại Trường trung cấp Kinh tế Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh (College of Economics & Tourism – CET). Với tinh thần không ngừng học hỏi, liên tục tìm tòi, nghiên cứu, cô Hoàng Thị Diệu Xuân mong muốn chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm trong suốt quá trình làm nghề tới những người đam mê và theo đuổi nghề bánh

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn