Sinh viên nhà hàng – khách sạn hào hứng với “Chuyên Đề Bánh Mì”

Ở CET, sinh viên ngành Nghiệp vụ Nhà Hàng – Khách sạn ngoài các bài học về nghiệp vụ chuyên ngành thì các bạn còn được lĩnh hội thêm các kiến thức về nấu ăn, làm bánh, pha chế để hoàn thiện kiến thức lẫn kĩ năng để áp ứng các yêu cầu của nhà tuyển dụng. Chúng ta cùng dành chút thời gian để khám phá buổi học “Chuyên đề Bánh mì” của các bạn ấy thú vị như thế nào nhé!

Làm Quen Với “Thế Giới” Nguyên Liệu Làm Bánh

Với sự hướng dẫn của giảng viên có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong nghề bánh sẽ mang đến nhiều kiến thức bổ ích. Các bạn sinh viên càng hào hứng hơn khi đây là dịp để tìm hiểu rõ hơn về các loại bánh mì trên thị trường. Dựa vào hàm lượng đường mà bánh mì được chia làm hai loại, bao gồm: bánh mì ngọt (Sweet Bread, Brioche Bread, Croissant, Danish…) và bánh mì lạt (bánh mì Việt, Baguette, Soft Bread…). Mục tiêu của bài học là giúp sinh viên nắm vững kiến thức về lý thuyết lẫn thực hành của 2 loại bánh Baguette và Brioche.

Sinh viên thích thú khi được quan sát các công đoạn làm bánh mì.
Sinh viên thích thú khi được quan sát các công đoạn làm bánh mì.

Những người thợ làm bánh cần có kỹ năng để lựa chọn bột mì, men, bơ thích hợp cho từng loại bánh mì mà mình muốn làm. Ngoài ra, để thành phẩm bánh được đẹp mắt và ngon miệng thì yêu cầu sự tỉ mỉ và chuẩn xác trong từng thao tác của người thực hiện. Trong các nguyên liệu thì men có một vai trò quan trọng để tạo nên thành phẩm đạt yêu cầu.

Để tạo nên những chiếc bánh mì đạt chuẩn cần sự tỉ mỉ của người thợ trong từng bước thực hiện.

Tuy là phần kiến thức mở rộng đối với ngành Nghiệp vụ Nhà hàng – Khách sạn nhưng các bạn được hướng dẫn chi tiết những phương pháp cơ bản trong quy trình làm bánh như trộn bột; đánh bột; ủ bột; tạo bột cái; cách nuôi, bảo quản, sử dụng “con men” hiệu quả. Bằng sự hóm hỉnh, vui vẻ của mình mà thầy đã giúp sinh viên càng thích thú với buổi học, chủ động đặt câu hỏi, thắc mắc về nội dung bài.

Bánh Mì Là Thành Quả Của Một Quy Trình Chế Biến Chuyên Nghiệp, Chính Xác

Học phải đi đôi với thực hành thì mới mang lại hiệu quả cao nhất. Ngay khi đã nắm khái quát nội dung lý thuyết thì cả lớp sẽ tiến hành chế biến hai loại bánh mì nổi tiếng đó. Sinh viên được tự tay thực hiện tất cả các công đoạn làm bánh mì dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Bắt đầu từ việc cân đo nguyên liệu đúng theo công thức, tiếp tục pha trộn các nguyên liệu với nhau theo một thứ tự nhất định, điều chỉnh tốc độ đánh của máy và dùng thị giác, thích giác để nhận biết bột đã đạt yêu cầu. Trong quá trình thực hiện, thầy còn chia sẻ những lỗi sai thường mắc phải và cách khắc phục để các bạn rút kinh nghiệm.

chuẩn bị nguyên liệu làm bánh mì
Các bạn bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu làm bánh.

Bước quan trọng ở khâu chuẩn bị bột chính là ủ bột. Bột sẽ được ủ lần một để tạo mùi vị cho bánh và lần hai giúp bánh nở xốp và định hình kết cấu bánh như mong muốn. Làm bánh mì cần nhiều kỹ năng và sự luyện tập thường xuyên để tạo nên “cảm giác” ở đôi bàn tay. Điều này giúp bạn biết nhào bột đúng cách để không ảnh hưởng đến mùi vị bánh; nhận biết bột đủ nước hay quá khô; nhiệt độ ủ thích hợp của từng loại bánh là bao nhiêu,… Những điều này đều được giảng viên chia sẻ một cách tận tình.

kỹ năng ủ bột bánh mì
Ủ bột là một kỹ năng mà người thợ làm bánh nào cũng phải nắm vững và thuần thục.

Công đoạn được mong chờ nhất trong buổi học chính là bước tạo hình cho bánh. Thầy sẽ làm mẫu trước và sau đó các bạn được thoả sức sáng tạo với những thành phẩm của mình. Vì là lần đầu tiếp xúc với các kỹ thuật làm bánh nên một số bạn khá lúng túng khi thao tác vê bột. Nhưng nhờ việc “cầm tay chỉ nghề” của thầy đã giúp các bạn điều chỉnh lại thao tác và thuần thục hơn nhiều. Lần lượt những chiếc bánh mì xinh xắn, mới lạ được ra đời. Những mẹo nhỏ giúp tạo hình cho bánh mì đẹp mắt và kết cấu chắc cũng được bật mí ngay tại buổi học.

Giảng viên đang hướng dẫn các bạn tạo hình bánh mì Brioche.
Giảng viên đang hướng dẫn các bạn tạo hình bánh mì Brioche.

Một Buổi Học Thú Vị Với Đầy Ắp Tiếng Cười Của Sinh Viên

Các mẻ bánh lần lượt được đem đi nướng. Ở bước cuối cùng, giảng viên hướng dẫn các bạn sử dụng lò nướng và cung cấp thêm các kiến thức về điều chỉnh nhiệt độ và thời gian nướng phù hợp cho mỗi loại bánh. Các bạn sinh viên chăm chút quan sát lò nướng để nhìn thấy thay đổi của những khối bột thành những ổ bánh mì hoàn chỉnh. Sau khoảng 30 phút thì những chiếc bánh mì Baguette có lớp vỏ dày, giòn cứng, ruột ấm đặc, hơi dai và có nhiều lỗ khí; những chiếc bánh mì Brioche có vỏ ngoài vàng nâu sậm, ruột bánh có màu vàng của bơ, mềm, xốp, nhẹ và thớ bánh dai mịn cũng được ra lò, thơm lừng cả không gian lớp học.

thành phẩm
Thành phẩm đầu tay của các bạn sinh viên trông thật hấp dẫn.

Dựa trên thành phẩm của các bạn, giảng viên sẽ phân tích những lỗi thường hay mắc phải trong các bước đồng thời hướng dẫn một số cách khắc phục để các bạn rút kinh nghiệm cho lần thực hiện sau. Cuối cùng cả lớp sẽ cùng nhau thưởng thức thành phẩm do chính tay các bạn làm. Chuyên đề Bánh mì kết thúc trong không khí ấm áp và sự phấn khởi của sinh viên khi đã học thêm được những kiến thức mới về làm bánh.

Tiếp tục theo dõi CET để khám phá các lớp học thú vị khác của sinh viên ngành Nghiệp vụ Nhà hàng – Khách sạn. Đừng ngần ngại liên hệ ngay với số hotline miễn phí 1800 6552 hoặc điền thông tin vào form bên dưới để được tư vấn, hướng dẫn xét tuyển và có cơ hội trải nghiệm những tiết học như trên nhé!

Điểm: 4.3 (14 bình chọn)

Tác giả: Ngọc Ambar

Ambar Ngọc hiện tại đang là biên tập viên cho website Trường Trung Cấp CET, Ngọc sẽ cập nhật các thông tin mới nhất về các tin tức, sự kiện, hoạt động về trường và học viên CET, cùng theo dõi Ngọc nhé.

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn