Tìm hiểu đặc trưng lễ hội và văn hóa ẩm thực của Sapa

Với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ vốn có và sự góp mặt của nhiều dân tộc thiểu số, Sapa như một bức tranh đa sắc màu của vùng Tây Bắc. Đây cũng là điểm du lịch hấp dẫn các du khách không chỉ trong nước mà còn cả du khách nước ngoài. Hãy cùng Cet.edu.vn tìm hiểu đặc trưng lễ hội và văn hóa ẩm thực Sapa để khám phá những điều thú vị của một thành phố du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam nhé.

Đặc trưng văn hóa lễ hội Sapa

Là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số như H’Mông, Tày, Kinh, Giáy, Hoa… Sapa là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa đặc sắc, khiến văn hóa của Sapa đa dạng và tràn ngập sắc màu. Những phiên chợ cuối tuần thêm nhộn nhịp, ủ tình yêu qua tiếng khèn, đàn môi, kèn lá của những chàng trai, cô gái Mông xuống núi là những điểm thú vị thu hút du khách ở khắp mọi miền. Mời bạn khám phá một số lễ hội đặc sắc của vùng đất ẩn chứa bao điều kỳ diệu này.

Lễ Tết nhảy của người Dao

Lễ Tết nhảy

Lễ Tết nhảy là lễ hội truyền thống quan trọng của người Dao.
(Ảnh: Internet)

Tết nhảy là lễ hội quan trọng và được chuẩn bị rất công phu của người Dao ở Tả Van. Lễ hội này thường diễn ra ở nhà ông trưởng họ và các thành viên trong họ đều tấp nập đến giúp chủ nhà chuẩn bị lễ. Bàn thờ tổ tiên thường nằm ở gian giữa hướng về bếp chính được trang trí rực rỡ sắc màu hoa văn. Trên bàn thờ dán tranh cắt giấy biểu tượng mào gà trống và Tam thanh. Hai bên bàn thờ dán câu đối trên giấy hồng điều với nội dung cầu mong “Người yên vật thịnh”, “Uống nước nhớ nguồn”.

Tuỳ theo từng gia đình, lễ Tết nhảy có thể tổ chức vào ngày mùng 1 hoặc mùng 2 tết. Khi lễ tổ chức, cả dòng họ tập trung tại nhà trưởng họ. Nam giới phụ lễ và tham gia nhảy đồng, nhưng chỉ có một số nam giới có khả năng mới làm được “Sài cỏ” (người tập nhảy). Sau lễ trình báo tổ tiên, thầy cúng hướng dẫn các “sài cỏ” nhảy 14 điệu nhảy. Mỗi điệu thể hiện những động tác khác nhau và mang một ý nghĩa riêng.

Tết nhảy diễn ra từ cuối giờ Thìn đến giờ Dậu, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật dân gian. Đó là nghệ thuật múa đan xen với nghệ thuật âm nhạc. Đó là nghệ thuật ngôn từ kể về sự tích dòng họ, công lao tổ tiên, là nghệ thuật tạo hình với các loại tranh thờ, tranh cắt giấy, điêu khắc tượng gỗ… giàu bản sắc dân tộc và đều thấm nhuần tính nhân văn.

Hội Roóng Poọc của người Giáy

Lễ hội Roóng Poọc

Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
(Ảnh: Internet)

Hàng năm vào ngày Thìn tháng Giêng Âm lịch, người Giáy ở Tả Van, Sapa lại mở hội Roóng Poọc để cầu mong mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận gió hoà. Tuy là lễ hội dân tộc truyền thống của người Giáy ở Tả Van, nhưng nhiều năm nay đã trở thành lễ hội chung của cả vùng thung lũng Mường Hoa. Từ sáng sớm, người Mông từ Hầu Thào, Lao Chải dồn xuống, người Dao từ Bản Hồ, Bản Phùng ngược lên, du khách từ thị trấn Sapa cũng tới dự làm cho lễ hội đông vui tới vài nghìn người.

Địa điểm mở hội là một khu ruộng tương đối bằng phẳng trong bản. Trung tâm hội dựng cây còn cao vút, có một vòng tròn trên ngọn. Trên vòng tròn một mặt dán giấy đỏ tượng trưng cho mặt trời, mặt còn lại dán giấy vàng tượng trưng cho mặt trăng. Mâm cúng của thầy mo gồm các lễ vật tượng trưng cho sự no ấm như: vải, trứng, măng, bạc trắng và 6 quả còn lại là của các cô gái chưa chồng.

Sau khi phần lễ hội cúng thần linh cho mưa thuận gió hòa kết thúc cũng là lúc trống, chiêng vang lên thông báo các trò chơi mang tính nghi lễ tượng trưng bắt đầu như ném còn, kéo co… Đặc biệt, khi các trò chơi diễn ra thì những đôi nam nữ lặng lẽ rút khỏi cuộc chơi tìm góc vắng tâm tình qua đàn môi, tiếng khèn, lời hát. Ngày kết thúc, các già làng làm lễ khấn và hạ cột còn. Hai thanh niên khoẻ mạnh cùng 2 con trâu mộng được chọn cày 5 đường “xuống đồng” tượng trưng cho vụ mùa mới bắt đầu.

Lễ hội Xuống đồng của dân tộc Tày

Lễ xuống đồng

Lễ xuống đồng của người Tày báo hiệu một mùa gieo gặt mới.
(Ảnh: Internet)

Sáng ngày mồng 8 Tết, lễ hội xuống đồng đầu xuân của đồng bào dân tộc Tày, Dao xã Bản Hồ (Sapa, Lào Cai) lại thu hút rất đông người địa phương và du khách thập phương.

Phần lễ bắt đầu với tục rước đất và rước nước. Kiệu rước được trang trí sặc sỡ theo biểu tượng âm dương ngũ hành. Đi đầu đoàn rước là thầy cúng, người có trách nhiệm là sứ giả để giao tiếp với thần linh, trên tay cầm cây nêu biểu tượng của sự sinh sôi, nảy nở. Sau đó là kiệu rước đất, đất thiêng được lấy từ trên núi cao gọi là đất mẹ.

Sau đó là phần dâng lễ cúng thần linh. Lễ vật gồm một mâm quả (bên trong có hạt giống), mâm xôi 7 màu, bánh dày ngũ sắc và thủ lợn, gà luộc, hoa quả… Thầy khấn và phun nước làm phép để xua đuổi ma quỷ, xua đuổi điều không may, rồi thầy tung các hạt giống của thần linh cho dân bản.

Phần hội được bắt đầu bằng các tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc của người Tày, người Dao. Cô gái Tày mở đầu màn xòe với những động tác xòe duyên dáng, điệu nghệ mời mọi người tham gia vào vòng xòe trong tiếng kèn, tiếng trống dập dìu. Bên cạnh đó còn có các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, đánh quay, đánh bóng, bịt mắt bắt dê, leo cột mỡ… Hội xuống đồng Bản Hồ, Sapa có ý nghĩa tiếp thêm sinh lực mới cho người dân trong sản xuất và xây dựng, gìn giữ bản sắc văn hoá.

Đặc trưng văn hóa ẩm thực Sapa

Trong tiết trời lạnh giá ở Sapa, bạn đừng quên thưởng thức đồ nướng nóng hổi, thơm ngon và đa dạng như thịt lợn bản, ba chỉ nướng, chim cút, bò cuộn cải mèo xiên hay bò cuộn nấm kim châm xiên que… Cải mèo là loại rau đặc sản với vị cải đắng lạ đọng lại trên đầu lưỡi sẽ khiến du khách thích thú. Bên cạnh đó, du khách tuyệt đối đừng bỏ lỡ các món đặc sản “có một không hai” của Sa Pa nổi tiếng khắp cả nước.

Gà ác (gà đen) Sapa

Gà ác nướng mật ong

Gà ác nướng mật ong là đặc sản của Sapa. (Ảnh: Internet)

Gà ác hay còn gọi là gà đen Sapa, được chăn thả tự nhiên nên thịt săn chắc, rất thơm ngon. Mỗi con gà ác chỉ nặng chừng hơn 1kg, có màu da hơi đen. Gà ác là đặc sản Sapa, có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, nhưng gà được ướp tẩm với mật ong rồi đem nướng dưới than hồng, sau đó chấm thịt gà với muối tiêu chanh, lá bạc hà là ngon nhất. Nếu đi du lịch Sapa mà chưa thưởng thức món ăn này thì quả là một điều thật đáng tiếc!

Thắng cố Sapa

Thắng cố là món ăn truyền thống của người H’Mông từ cách đây 200 năm khi người H’Mông đến Bắc Hà – Lào Cai cư trú, sau được các dân tộc khác học tập và trở thành món ăn phổ biến không thể thiếu của các dân tộc vùng Tây Bắc. Thắng cố hiện nay đã được cải biến đi nhiều, ngoài thịt ngựa người ta còn dùng thịt trâu, bò, lợn… Ngon nhất là thắng cố thịt ngựa của người H’Mong vùng Bắc Hà, Mường Khương.

Thắng Cố

Thắng Cố là một món ăn truyền thống của dân tộc H’Mong.
(Ảnh: Internet)

Để chế biến một nồi thắng cố ngon, người dân nơi đây dùng nội tạng của ngựa, tiết, xương đem nấu cùng với 12 thứ gia vị như: thảo quả, hoa hồi, quế chi, sả, gừng…và gia vị chính là cây thắng cố. Nồi thắng cố được ninh nhừ khoảng vài giờ đồng hồ, khi ăn múc ra nồi nhỏ rồi nhúng thêm thịt ngựa, rau xanh. Thịt ngựa thơm giòn, bùi bùi kèm với những loại rau xanh mang đặc trưng xứ ôn đới như: cải mèo, su su…chấm với ớt Mường Khương nổi tiếng cay nồng khiến du khách xua tan đi cái giá rét của mùa đông vùng sơn cước.

Lợn cắp nách Sapa

Nếu bạn có dịp đến với Sapa thì đừng bỏ qua món thịt lợn Cắp Nách, đây là một món ăn rất hấp dẫn, có thể nói là đặc sản miền núi. Lợn cắp nách Sapa bình dị từ trong chính những món ăn của họ, nhưng chính những nét bình dị ấy lại có sức hút thần kì đối với du khách. Sở dĩ gọi là lợn cắp nách vì mỗi con lợn này chỉ nặng từ 4 – 6 kg. Thịt lợn ngọt, thơm, da giòn sừn sựt, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon tuyệt sử dụng những gia vị đặc trưng của người bản xứ. Vừa ăn thịt lợn cắp nách vừa nhâm nhi ly rượu táo mèo, hay rượu ngô giữa cái lạnh của Sapa sẽ là một trải nghiệm không thể quên trong lòng du khách.

Cá tầm – cá hồi – cá suối

Các món cá là món ăn không thể thiếu khi bạn đến Sapa. Cá tầm và cá hồi ở Sapa không béo, thịt săn chắc, thơm ngon. Giữa cái giá lạnh giá của vùng núi cao, du khách ngồi quanh 1 nồi lẩu cá tầm, nhúng kèm các loại rau tươi chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị trong đời. Cá suối nướng cũng là món ăn bình dị nhưng vô cùng hấp dẫn, cá suối ở đây không tanh, được chế biến rất đơn giản nhưng dưới bàn tay khéo léo của người dân nơi đây lại trở thành món ăn thơm ngon khó cưỡng.

Cá suối nướng

Cá suối nướng – Món ăn mà các du khách rất yêu thích ở Sapa.
(Ảnh: Internet)

Các món nướng

Có thể xem Sapa là thiên đường của những món nướng. Khí hậu lạnh giá đặc trưng của vùng núi rừng khiến cho người dân nới đây rất ưa chuộng những món nướng. Đến với Sapa bạn có thể dễ dàng bắt gặp nhưng quán nướng ven đường thậm chí là có cả một con phố chuyên bán đồ nướng: thịt nướng, cá nướng, xúc xích nướng, trứng nướng, ngô, khoai, sắn nướng… Đừng ngần ngại ghé vào một quán nướng nào đó, vừa quanh quẩn bên đống lửa vừa nhâm nhi đồ nướng, cảm nhận cái dư vị hoang giã của núi rừng, đó sẽ là kỷ niệm đáng nhớ thôi thúc bạn quay lại với vùng đất này thêm nhiều lần nữa.

Sau khi khám phá đặc trưng văn hóa lễ hội và ẩm thực Sapa, bạn có cảm thấy Sapa là một vùng đất thú vị và cũng đầy bí ẩn của núi rừng Tây Bắc không? Không phải ngẫu nhiên mà Sapa được gọi là “thiên đường du lịch” vào mùa hè của Tây Bắc. Nếu có dịp ghé thăm nơi đây, đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá con người và văn hóa đa sắc màu của miền sơn cước nhé.

Điểm: 4.43 (7 bình chọn)

Tác giả: Chef Lập

Lập Chef là một trong những Đầu bếp nổi tiếng tại Việt Nam. Hiện tại, ông đang đảm nhận chức vụ Bếp trưởng Điều hành tại một Khách sạn cao cấp và đã đào tạo nên nhiều thế hệ Đầu bếp trẻ. Với nhiều đóng góp trong việc phát triển ẩm thực Việt Nam, những kiến thức ẩm thực mà ông cung cấp luôn hấp dẫn và hữu ích với độc giả.

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn