Vì sao nhiều phụ huynh ủng hộ con học trung cấp?

Trước mỗi kỳ thi tuyển, bậc cha mẹ nào cũng mong con mình vào được ngành hot, trường tốt. Trong khi vẫn còn nhiều phụ huynh tự định hướng nghề nghiệp cho con theo ý mình, ép con bằng mọi giá phải vào cấp 3, phải đậu đại học thì cũng có không ít phụ huynh ủng hộ con mình học trung cấp. Tại sao họ làm như vậy? Và lựa chọn nào sẽ tốt cho con? Đó là điều không phải phụ huynh nào cũng hiểu được.


nhiều phụ huynh ủng hộ con học trung cấp

Nhiều phụ huynh ủng hộ con học trung cấp từ khi học hết cấp 2. Ảnh: Internet

Chọn nghề chọn trường là bước ngoặt quan trọng cho tương lai con cái. Nhưng không phải phụ huynh nào cũng quan tâm, hỏi han xem con mình có đam mê, yêu thích ngành học đó trước khi cùng con đặt bút viết nguyện vọng. Dẫu biết rằng đại học là một lựa chọn tốt nhưng tấm bằng đại học không phải là “chìa khóa vạn năng”, không phải học sinh nào cũng đủ năng lực, điều kiện theo học. Có những em còn muốn đi học trung cấp, học nghề từ khi học hết cấp 2.

Những lúc như vậy, vai trò của người làm cha mẹ quan trọng hơn hết chính là hiểu rõ năng lực, sở thích, tính cách của con mình và điều kiện gia đình để giúp con định hướng chọn nghề, chọn trường phù hợp, không gây áp lực và tôn trọng quyết định của con.

Sẽ thế nào nếu con chọn trường theo kỳ vọng của cha mẹ?

“Cái giá” của việc chọn sai nghề, học sai trường, chọn theo nguyện vọng của cha mẹ thay vì của mình, có lẽ không ai hiểu rõ bằng những người đang trực tiếp phải đối mặt sau khi ra trường. Chẳng nói đâu xa, cô bạn tôi là một ví dụ điển hình.

Từ hồi cấp 2 lên cấp 3, dù rất chăm chỉ nhưng lực học của cô chỉ ở mức trung bình. Cô thích học tiếng Anh nhưng bố mẹ lại muốn cô học ban A. Thế là thay vì học khối D theo sở thích thì cô học khối A. Suốt 3 năm cấp 3, học trong lớp chuyên Toán – Lý – Hóa – Sinh nâng cao khiến cô bạn tôi mệt mỏi, nhiều phen nản chí. Vì sức học không theo nổi bạn bè nên còn khiến cô trở nên lầm lì, ít nói. Giấu những giọt nước mắt buồn bã để làm hài lòng cha mẹ, cô cũng ráng học hết cấp 3 rồi thi vào một trường sư phạm để đi làm giáo viên như họ mong muốn. Vì cha mẹ cô nghĩ, con gái nên làm giáo viên, công việc nhẹ nhàng, dễ ổn định.

Rồi 4 năm đại học tiếp tục là quãng thời gian cô “vùi bỏ thành xuân” trôi trong “sự học” nhàm chán, tẻ nhạt. Vẫn cố gắng chăm chỉ để ra trường như bạn bè, nhưng thật lòng cô không mấy hứng thú với cái nghề mình đang học. Nhiều lần muốn bỏ học nhưng nhìn cảnh bố mẹ làm nông vất vả, không để cô bị thiếu tiền đóng học hay phải vất vả làm thêm như bạn bè, cô lại cắn răng cố gắng.

chán nản vị học theo kỳ vọng của cha mẹ

Chán nản, thiếu hứng thú học tập vì học theo kỳ vọng của cha mẹ. Ảnh: Internet

Cô ra trường nộp biết bao hồ sơ vẫn không tìm được việc, bằng cũng chỉ đạt loại khá. Chán nản, cô bỏ đi làm công nhân may. Thương con, bố mẹ cô lại tiếp tục vay mượn, lo cho cô vào được một trường dạy học xa nhà cả hàng ngàn cây số. Làm được vài tháng, cô lại mất việc vì hồ sơ chưa ổn định. Cô lại tiếp tục tháng ngày vật lộn tìm việc. Có lần tâm sự với tôi, cô thở dài, bảo giá mà trước đây không nghe theo bố mẹ, quyết tâm học khối D thì giờ cô cũng không rơi vào tình cảnh này. Hay ít ra, đi học trung cấp như mấy đứa bạn khác giờ cũng đã ổn định. Tôi chỉ biết an ủi, động viên mà buồn cho cô.

Có lẽ không riêng cô bạn tôi mà ngoài kia còn rất nhiều sinh viên như thế hoặc lâm vào hoàn cảnh tệ hơn. Cha mẹ ban đầu kỳ vọng bao nhiêu, giờ càng thất vọng bấy nhiêu. Có người may mắn tìm được việc thì họ cũng chỉ đi làm như những cỗ máy không cảm xúc. Cha mẹ tạm hài lòng với kết cục ổn định đó thì cũng không hay rằng, con cái mình chưa hề biết đam mê, niềm vui trong công việc là gì. Quen việc dựa dẫm mẹ cha, họ còn chẳng thể đưa ra nổi cho mình một quyết định, cứ mãi giậm chân trong vùng an toàn mà thật ra đó lại là “vùng luẩn quẩn”.

Vì sao nhiều phụ huynh ủng hộ con học trung cấp?

Thay vì định hướng tương lai cho con theo áp đặt, kỳ vọng, theo ảo tưởng về năng lực thực sự của con hay vì sĩ diện mà không dám nhìn nhận đúng thực tế, nhiều phụ huynh đã ủng hộ con học trung cấp hoặc học nghề từ khi hết cấp 2 hoặc sau khi tốt nghiệp THPT. Lý do tại vì sao?

Thực tế ngày càng cho thấy, bạn tốt nghiệp bằng gì, học trường nào thì khi đi làm điều quan trọng nhất vẫn là kỹ năng thực sự và thái độ làm việc. Không chỉ ở các bậc học cao mà ở môi trường trung cấp, sinh viên cũng vẫn được đào tạo từ văn hóa đến kỹ năng, thái độ làm việc cho tương lai sau này.

Nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp có mục tiêu đào tạo ra nguồn nhân lực không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà còn vững vàng về các kỹ năng mềm, kỹ năng tiếng Anh, kỹ năng quản lý… Với chương trình đào tạo chú trọng thực hành, sinh viên trung cấp sẽ nhanh chóng thạo nghề, sớm đi làm để trưởng thành, hình thành kỹ năng sống tốt hơn và tích lũy được nhiều kinh nghiệm sớm hơn. Đồng thời cũng tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí do thời gian học nhanh. Các trường trung cấp còn đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo việc làm cho sinh viên ngay khi tốt nghiệp.

sinh viên học trung cấp được chú trong thực hành

Sinh viên trung cấp được chú trọng thực hành, nhanh chóng vững tay nghề

Nhà tuyển dụng hiện nay cũng đề cao tay nghề, thái độ, kinh nghiệm làm việc thay vì chỉ dựa vào bằng cấp. Trở thành cử nhân đại học, thạc sỹ hay tiến sỹ cũng không đồng nghĩa với việc bạn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn sinh viên trung cấp hay học viên trường nghề. Và điều đó cũng không làm quá trình tìm việc hay thăng tiến của bạn trở nên dễ dàng hơn. Nhiều sinh viên trung cấp giỏi tay nghề hiện nay còn được nhiều doanh nghiệp liên hệ ‘đặt hàng’ dù chưa ra trường trong khi sinh viên tốt nghiệp các bậc học cao hơn phải chật vật tìm việc làm, làm những công việc tạm bợ sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, học trung cấp sau khi tốt nghiệp lớp 9, học sinh vẫn có thể học văn hóa, chỉ sau 3 năm là có thể vừa nhận bằng tốt nghiệp Trung cấp chính quy. Sau đó có thể đi làm ngay hoặc học liên thông lên hệ cao đẳng, đại học mà không cần thi cử áp lực. Trên thực tế, có rất nhiều bạn trẻ học văn hóa khó khăn nên muốn học trung cấp ra để làm việc ngay.

vừa nhận bằng trung cấp chính

Có cơ hội nhận bằng tốt nghiệp Trung cấp chính quy nhanh hơn bạn bè cùng lứa

Tổng kết

Có thể nói, việc xác định đúng năng lực, sở trường, nguyện vọng và điều kiện cá nhân là những yếu tố quan trọng mà cả phụ huynh lẫn học sinh đều phải quan tâm để định hướng đúng đắn khi chọn trường, chọn nghề. Do đó, các bậc phụ huynh không nên vì mong muốn cá nhân hay bất kỳ lý do nào mà thay con chọn trường, chọn nghề để tránh các trường hợp lãng phí thời gian và tiền bạc khi con không thích hoặc không đủ điều kiện và năng lực theo học.

Cha mẹ nào cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái. Nhưng để con được học và chọn làm những điều mình muốn mới chính là cách giúp con bước vào đời tốt nhất. Hãy là một phụ huynh thông thái chứ đừng “vì mình” mà “nhốt con trong một cái lồng quá chật”.

Điểm: 4 (5 bình chọn)

Tác giả: Ngọc Ambar

Ambar Ngọc hiện tại đang là biên tập viên cho website Trường Trung Cấp CET, Ngọc sẽ cập nhật các thông tin mới nhất về các tin tức, sự kiện, hoạt động về trường và học viên CET, cùng theo dõi Ngọc nhé.

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn